Giai thoại Phan_Đình_Phùng

Tờ yết thị của Nguyễn Thân về việc thiêu hủy thi hài Phan Đình Phùng

Sau khi mất, nhiều giai thoại về Phan Đình Phùng được lưu truyền trong dân gian. Năm 1936, khi Mặt trận Bình dân lên nắm quyền ở Pháp đã nới lỏng quyền tự do báo chí ở thuộc địa Đông Dương, nhà báo Đào Trinh Nhất đã sưu tầm và viết thành nhiều bài báo truyền kỳ về Phan Đình Phùng, về sau được tập hợp trong tác phẩm "Phan Đình Phùng, một vị anh hùng có quan hệ đến lịch sử hiện thời". Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu, nhiều giai thoại trong tác phẩm này là hư cấu hoặc không thể xác định được tính chân thực. Mặc dù vậy, các giai thoại này vẫn lưu truyền và phổ biến trong nhiều tài liệu cho đến tận ngày nay.

Đánh đòn linh mục Trần Lục

Trích từ sách Phan Đình Phùng..., chương "Ra làm quan"

Bởi vậy, khi làm Tri phủ Yên Khánh ở Ninh Bình, thấy một ông cố đạo bản xứ hay ỷ thế tôn giáo, hà hiếp lương dân, cụ Phan không kiêng nể ngần ngại gì, cứ việc hô lính đè cổ giáo sĩ đó xuống hỏi tội và đánh thẳng tay.Giáo sĩ bị trận đòn ấy tức là cụ Trần Lục, tục gọi là cụ Sáu, mấy năm sau nhờ thế lực Pháp mà được triều đình phong làm Tuyên phủ sứ có oai quyền lừng lẫy một lúc ở vùng Phát Diệm Ninh Bình, ai cũng phải sợ. Người ta nói ông có cái đức giết người như rạ, không kém gì Tôn Thất Thuyết.Cụ Phan đánh một ông cố đạo là đánh kẻ có tội hà hiếp người, chớ không phải bày tỏ thâm ý ghét đạo Thiên Chúa...Bởi thế, cụ Phan Đình Phùng, tri phủ Yên Khánh vì cái lỗi đã đánh một ông cố đạo, mà bị triều đình trị tội, phải triệu về kinh, sung vào viện Đô sát, làm Ngự sử. Năm ấy là năm Tự Đức thứ 31.

Dâng sớ đàn hặc Thiếu bảo Nguyễn Chính

Trích từ sách Phan Đình Phùng..., chương "Ra làm quan"

Vua Tự Đức thương cụ là người cương trực, sau ngài giáng chỉ phái cụ làm quan Khâm mạng ra thanh tra tình hình quan lại ở Bắc kỳ. Cụ đi thanh tra rồi, dâng sớ về tâu vua, hạch tội ông Thiếu bảo Nguyễn Chính, Kinh lược Bắc kỳ, chỉ ôm tiết việt vua ban làm món đồ bày trước mặt cho oai vệ, còn sự lợi hại của dân gian, thật chẳng để tâm gì tới. Vua Tự Đức truyền cho cụ thâu lấy tiệt việt của Nguyễn Chính về, không cho làm Kinh lược nữa.

Tổng đốc Nghệ An Nguyễn Chính giết anh trai Phan Đình Phùng là Phan Đình Thông do tư thù

Trích từ sách Phan Đình Phùng..., chương "Thời thế tạo anh hùng"

Tổng đốc tỉnh Nghệ hồi ấy là Nguyễn Chính, vẫn còn ghi nhớ chuyện cũ, thù hiềm cụ Phan, hồi làm Ngự sử, đã dâng sớ hạch tội y làm Kinh lược Bắc kỳ, chỉ hư trương nghi vệ và tác oai tác phúc xằng, không chăm lo việc dân việc nước giữa lúc gian nan. Câu chuyện cũ này, một đoạn trên xa, chúng tôi đã nói. Vì sự hạch tội ấy vua Tự Đức bãi chức Kinh lược của Nguyễn Chính. Sau nhờ Bảo hộ phục chức, cho làm Tổng đốc Nghệ An. Nay bắt được anh cụ Phan, Nguyễn Chính toan chém tức thời cho đã cơn giận và trả thù xưa. Nhưng rồi tấm lòng mưu lập đại công biểu và ngừng tay lại, trong trí suy tín làm sao chiêu dụ được Phan Đình Phùng ra hàng, thì mình lập công lao với Bảo hộ to lớn, tự nhiên cái ngôi cực phẩm triều đình ở trong túi áo. Chừng nào chiêu dụ mà Phan Đình Phùng không chịu ra hàng thì bấy giờ sẽ giết Phan Đình Thông cũng chưa muộn. Nghĩ vậy rồi, Nguyễn Chính một mặt sai kẻ tâm phúc đi dò tung tích cụ Phan ở miền Hương Sơn, Hương Khê để dỗ cụ ra quy thuận.

Nguyễn Thân cho quật mồ, đốt xác Phan Đình Phùng và trộn tro tàn vào thuốc súng bắn xuống sông La

Đây là giai thoại hư cấu phổ biến nhất trong sử học Việt Nam xưa nay.

Nhưng giai thoại này đã được tác giả Tôn Thất Thọ, trong bài viết "Phan Đình Phùng và giai thoại lịch sử"[6], chứng minh là không có cơ sở lịch sử từ rất nhiều nguồn sử liệu khác nhau.

Với sự phân tích kỹ lưỡng trong bài viết trên, giai thoại Nguyễn Thân cho quật mồ, đốt xác Phan Đình Phùng và trộn tro tàn vào thuốc súng bắn xuống sông La cần được xác định lại là hư cấu, không là một sự thật lịch sử.

Câu nói nổi tiếng của Phan Đình Phùng về đất nước Việt Nam là một cái mồ to

Trích từ sách Phan Đình Phùng..., chương "Thời thế tạo anh hùng"

Cụ Phan tiếp được thư này, cười mà nói rằng:- Mấy anh đồ nho hèn nhát, động một chút là đem cửa nhà mồ mả ra để doạ nạt người ta.Nhân dịp cụ nói với chúng tướng rằng:- Tôi từ khi cùng chư tướng khởi binh cần vương đã có chủ tâm là bỏ cả việc gia đình quê quán ra ngoài, không nghĩ gì đến nữa. Nay tôi chỉ có một ngôi mộ rất to, nên giữ, là đất Việt Nam; tôi chỉ có một ông anh rất to, đang bị nguy vong, là cả mấy mươi triệu đồng bào. Nếu về mà sửa sang phần mộ của mình, thì ngôi mộ cả nước kia ai giữ? Về để cứu vớt ông anh của mình, thì bao nhiêu anh em trong nước ai cứu? Tôi bây giờ thề chỉ có một cái chết mà thôi...Nói vậy rồi cụ không thèm viết thư trả lời, chỉ nhắn kẻ đưa thư về nói với Lê Kính Hạp rằng: Nếu ai có làm thịt anh ta, thì nhớ gửi cho ta bát nước canh!Chúng tướng nghe đều ứa nước mắt. Cụ không chịu bãi binh quy hàng, tức là ông Phan Đình Thông bị hại, không cần phải nói.Từ đấy cụ cùng tướng sĩ đóng đồn trong rừng, trên núi, thường dùng cách đánh du kích, vì chưa đủ sức đương trường đối chiến.

Hoàng Cao Khải trao thư khuyên hàng cho Phan Đình Phùng

Trích từ sách Phan Đình Phùng..., chương "Hoàng Cao Khải"

Cuối tháng 10 năm Giáp Ngọ, Hoàng Cao Khải viết thư rồi sai chính người nội đệ (em vợ) mình vừa là ông anh con nhà bác của cụ Phan là Phan Văn Mân đem lên núi Vụ Quang. Không ai khác hơn ông này mà dám lĩnh mệnh đi sứ, nhất là đi sứ chiêu hàng, vì nếu người khác chắc là nghĩa binh làm thịt.Mặc lòng là bà con thân quyến, Phan Văn Mân phải trải nhiều lớn gian nan nguy hiểm mới vô đến đại doanh. Mới thấy ông đường huynh thò mặt vô, cụ Phan cả cười và nói:- Anh đi làm thuyết khách cho Hoàng Cao Khải khó nhọc lắm hè!Vì cụ đã được tin báo trước cho biết.Cụ xem thư rồi thở dài:- Không dè người khuyên nhủ tôi ra hàng là cố nhân Hoàng Cao. Tôi thề quyết làm việc tôi làm đây tới cùng, dầu sấm sét búa rìu cũng không làm sao cho tôi thay lòng đổi chí được, anh về nói giùm cho Hoàng Cao biết như thế. Nếu tôi không làm xong được công việc vua uỷ thác, dân trông mong và không rửa hận cho khô cốt của tổ tiên ở dưới đất, thì chỉ có một cách là chết theo hoài bão tâm chí mình mà thôi.Rồi tức thời, cụ cầm bút viết thư trả lời, trao cho ông Phan Văn Mân đem về. Lúc anh em từ biệt, cụ ân cần dặn với:- Cũng may phước cho người đem thư chiêu hàng chính là anh, nếu là ai khác thì bộ hạ của tôi chắc làm tương mắm để gửi biếu Hoàng Cao nếm thử. Lần sau y có sai đi, anh đừng lãnh mệnh nữa nghe!